3 lí do quan trọng khiến sinh viên ra trường khó tìm được việc làm

Thứ 2, 25/12/2023 | 08:05 GMT+7

Có nhiều lí do khiến sinh viên ra trường khó tìm được việc làm, thậm chí dẫn đến tình trạng thất nghiệp kéo dài.

Viec Lam

Sinh viên mong muốn tìm việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh

Sinh viên xoay sở tìm việc làm

Trao đổi với Báo Lao Động ngày 24.12, em Bùi Thu Huyền - sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị nhân lực của một trường đại học tại Hà Nội - cho biết, thời gian qua rất mệt mỏi với việc phải đi rải hồ sơ xin việc khắp nơi.

"Với mong muốn tìm được công việc đúng chuyên ngành mình học, em cố gắng đưa tất cả kinh nghiệm trong thời gian mình học tập cho vào hồ sơ xin việc, làm cơ sở để các công ty để mắt tới. Tuy nhiên, em đều bị từ chối hết" - Huyền buồn bã nói.

Chán nản với việc phải chờ đợi việc làm, Huyền đành chấp nhận làm việc không lương tại một công ty kinh doanh nội thất tại Hà Nội.

"Em phải làm việc 3 tháng đầu tiên để lấy kinh nghiệm, đổi lại, em không được nhận lương. Điều này khiến em rất suy sụp bởi thứ nhất, công việc không có thu nhập, em phải xin thêm tiền hỗ trợ từ gia đình" - Huyền tâm sự.

Thu Huyền cho biết thêm, một số bạn học cùng trang lứa của em cũng đang trong tình thế khó khăn khi mới ra trường, không biết lựa chọn công việc nào cho phù hợp.

"Cũng có bạn có kinh nghiệm làm thêm từ đại học, cũng có bạn giống như trang giấy trắng khi mới ra trường, tuy nhiên, điều khó khăn lớn nhất gặp phải là khó ứng tuyển vào công ty để làm việc. Theo em thấy, đây có thể là tình trạng chung của các sinh viên mới ra trường hiện nay" - Huyền chia sẻ.

Lí do khiến sinh viên chật vật tìm việc

Đánh giá về tình trạng sinh viên khó xin việc hiện nay, PSG.TS Ngô Văn Giá - nguyên Trưởng khoa ngành Báo chí, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội - chia sẻ, có rất nhiều lí do khiến sinh viên ra trường loay hoay tìm việc. Tuy nhiên, có ba nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới khả năng xin việc của sinh viên.

"Thứ nhất, các em còn thiếu kĩ năng, kinh nghiệm làm việc. Điều này, các em nên tự rèn luyện và học hỏi trong quá trình học tập tại trường đại học.

Thứ hai, các sinh viên thường có tâm lí rụt rè, ngại tiếp xúc với các thầy cô. Các thầy cô sẽ tạo điều kiện, hướng dẫn các em tới các cơ sở làm việc, liên hệ giúp các em để có thể xin làm những công việc bán thời gian. Đây chính là nền tảng để các em có cơ hội cao hơn sau này.

Ngoài ra, theo góc nhìn của tôi, các trường đại học và doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu việc làm của sinh viên. Về phía các trường đại học, chúng ta cần mở rộng việc hợp tác giữa trường học và doanh nghiệp, có những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cũng có thể được ưu tiên, tham gia hỗ trợ làm việc cùng các doanh nghiệp" - PGS.TS Ngô Văn Giá nêu quan điểm.

Liên quan tới vấn đề doanh nghiệp đồng hành cùng trường đại học trong đào tạo sinh viên, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho hay, sự tham gia của các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là yếu tố bắt buộc. Điều này sẽ giúp sinh viên có thể hiểu rõ những yêu cầu của thị trường lao động, tích lũy kiến thức cần thiết, bước chân vào thế giới việc làm một cách chủ động.

"Các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm trong đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình bằng cách đặt hàng đào tạo, tham gia sâu vào quá trình tổ chức đào tạo, góp ý điều chỉnh nội dung giảng dạy gắn kết với giải quyết công việc trong thực tế” - GS.TS Phạm Hồng Chương nói.

 

(Theo Lao Động)

Chia sẻ

Góc học sinh - Sinh Viên


TOP VIEW