Ngày 19/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành Y đa khoa, Dược học. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các ngành trên nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của trường. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập, cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành.
Ánh minh họa
Giải thích về việc này, Phó hiệu trưởng Vũ Văn Hóa cho biết trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất đảm bảo việc đào tạo hai ngành Y, Dược theo đúng quy định. Các giảng viên cũng là những người từng dạy ở Đại học Y Hà Nội và làm việc trong các bệnh viện của Hà Nội.
"Các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Giáo dục đã về trường thẩm tra điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, đảm bảo yêu cầu thì chúng tôi mới được phép mở ngành. Trường cũng vừa có công văn gửi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng để xác định tổ hợp các môn thi phục vụ việc xét tuyển với hai ngành học này", ông Hóa cho hay.
Theo vị hiệu phó, Đại học Kinh doanh Công nghệ không xét tuyển theo học bạ mà chỉ xét tuyển theo kết quả thi của kỳ thi THPT Quốc gia. Mức điểm đăng ký xét tuyển thấp nhất là 20. Học phí của ngành Y Đa khoa là 50 triệu đồng mỗi năm, ngành Dược học là 25 triệu đồng mỗi năm.
Trong mùa tuyển sinh năm 2015, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong số trường khó tuyển sinh. Ở đợt xét tuyển thứ hai trường còn chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất cả nước với hơn 4.200 cho hệ đại học và 450 cho hệ cao đẳng.
Lúc bấy giờ, Hiệu phó Vũ Văn Hóa tâm sự: "Chúng tôi không lý giải nổi tại sao năm nay lại ít thí sinh đến nộp hồ sơ như vậy. Các thí sinh đạt điểm từ 15 trở lên đã là rất quý với nhà trường. Để giúp thí sinh tỉnh xa đỡ phải đi lại vất vả, trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã cấp ngay giấy báo trúng tuyển cho các em trên 15 điểm", ông Hóa cho hay.
Theo Vnexpress