Kỹ năng giành điểm cao môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT

Thứ 6, 22/03/2024 | 08:01 GMT+7

Môn Ngữ văn thi bằng hình thức tự luận, thí sinh ngoài nắm chắc kiến thức nên trang bị thêm kiến thức thực tế để vận dụng vào bài làm của mình.

>> Nhiều điểm thay đổi trong đề thi tốt nghiệp THPT 2025

thu 1 3733

Em Nguyễn Thị Thư, sinh viên năm cuối ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh NVCC.

Dưới đây là những chia sẻ của em Nguyễn Thị Thư, sinh viên năm cuối lớp chất lượng cao, ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Thư từng đạt giải Ba môn Ngữ văn, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020.

Theo Nguyễn Thị Thư, đề thi môn Ngữ văn thường có hai phần gồm đọc hiểu và làm văn.

Theo đó, đối với phần đọc hiểu, đề bài sẽ cung cấp một ngữ liệu bất kì và yêu cầu bạn trả lời các câu hỏi theo hình thức tự luận. Các câu hỏi sẽ được sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó, từ thông hiểu đến vận dụng rồi vận dụng cao.

Vậy bí kíp “ăn trọn điểm” ở phần câu hỏi đọc hiểu là gì? Thí sinh trước hết phải đọc kĩ đề, đảm bảo tất cả các câu hỏi đều được trả lời đầy đủ (cả về lượng lẫn chất). Đối với các câu hỏi có hai vế thì câu trả lời phải được tách bạch ra, hoàn thành xong yêu cầu của ý này thì mới đến ý tiếp theo.

Thứ hai, trình bày câu hỏi theo dạng đoạn văn sẽ là cách trình bày tối ưu nhất. Khi chấm bài sẽ theo barem điểm, bài làm của bạn chỉ cần đúng, đủ ý là đã được công nhận. Nhưng để câu trả lời được rõ ràng, mạch lạc và gây ấn tượng với người chấm thì bạn nên trả lời câu hỏi theo đoạn văn, có lời dẫn đầy đủ. Nếu triển khai bài làm theo cách ấy, đảm bảo bạn sẽ tạo được hảo cảm với người chấm.

Phần làm văn: câu 1 của phần làm văn thường sẽ viết bài văn nghị luận xã hội. Nghị luận xã hội có hai dạng cơ bản: nghị luận về một hiện tượng đời sống hoặc nghị luận về một tư tưởng đạo lí.

Mỗi dạng đề sẽ có một khung làm bài khác nhau, thí sinh cần xác định chính xác kiểu đề thì mới đạt được các yêu cầu tiếp theo của bài làm.

Nhưng dù đề theo dạng nào thì để ăn điểm của văn nghị luận vẫn là lí lẽ sắc bén, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Dẫn chứng càng mang tính thời sự, tiệm cận với đời sống thì bài làm càng hấp dẫn, thuyết phục người đọc. Và phải đảm bảo đủ tất cả các bước của một bài văn nghị luận thì lúc ấy, bạn mới có ý để ăn điểm.

thu 2 1076

Nguyễn Thị Thư mặc dù chưa tốt nghiệp nhưng đã được Trường TH - THCS - THPT Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai (Hà Nội) tuyển dụng.

Câu 2 của phần làm văn sẽ là viết bài văn nghị luận văn học.

Năm 2024 sẽ là năm cuối cùng để sử dụng ngữ liệu là các tác phẩm trong sách giáo khoa. Đây có thể xem là một thuận lợi đối với các sĩ tử 2k6 nhưng kéo theo đó là sức cạnh tranh cũng lớn hơn.

Để làm tốt phần nghị luận văn học, thí sinh cần đảm bảo: nắm vững kiến thức cơ bản của tất cả các tác phẩm thuộc chương trình học của mình. Đọc thêm một số câu thơ, câu văn, nhận định,… liên quan đến chủ đề, tác giả, thời đại,…của tác phẩm đó.

Ví dụ đối với những tác phẩm như Tây Tiến, Việt Bắc,… bạn có thể sưu tầm, liên hệ với những câu thơ, câu văn trong thời kì kháng chiến chống Pháp – thời kì sáng tác của 2 bài thơ nói trên.

Hay cũng có thể liên hệ với bất cứ hình ảnh thơ nào có sự tương đồng hoặc đối lập với tác phẩm bạn đang bàn luận. Việc này vừa giúp bạn “khoe” vốn kiến thức văn học sâu rộng của mình, vừa làm cho bài viết có chiều sâu, đặc sắc hơn.

Ngoài ra, học sinh thường phạm lỗi cơ bản và cũng là lỗi dễ mất điểm nhất đó là diễn xuôi, không bám vào ngôn từ, nghệ thuật. Nếu bài làm chỉ đơn thuần kể lại văn bản, tả nhân vật thì bài làm ấy chưa đạt yêu cầu.

Trong phần nghị luận văn học thường sẽ có yêu cầu phụ. Yêu cầu phụ thường sẽ yêu cầu người viết phân tích một nét nào đó trong đặc điểm, phong cách nghệ thuật của tác giả, đặc sắc về nội dung của tác phẩm… đây là yêu cầu có tính chất phân hoá học sinh. Để làm tốt phần này, học sinh nên học kĩ phần kiến thức tác giả, tác phẩm cùng với ngữ liệu đã cho trong đề để làm nổi bật luận điểm mà đề yêu cầu.

 

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Chia sẻ

Góc học sinh - Sinh Viên


TOP VIEW