Tuyển sinh đại học năm 2024: Học phí nhóm ngành nào cao nhất?

Thứ 5, 22/02/2024 | 10:37 GMT+7

Với khối trường đại học công lập, học phí nhóm ngành Y Dược theo quy định mới của Chính phủ ở mức cao nhất.

hoc phi nhom nganh nao cao nhat

Sinh viên tại phòng thực hành Răng Hàm Mặt của Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: VLU

Điều này khá tương đồng với nhiều trường đại học tư thục, khi học phí nhóm ngành này có nơi lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trần học phí nhóm ngành Y Dược cao nhất

Theo Nghị định 97/2023/NĐ-CP, lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập được lùi 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP (tức là học phí năm học 2023 - 2024 tăng so với học phí năm học 2022 - 2023 nhưng mức thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81).

Trong năm học 2023 - 2024, các trường đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, mức trần (mức thu tối đa) học phí được áp dụng từ 1,2 triệu đồng đến 2,45 triệu đồng/tháng (tương đương 12 - 24,5 triệu đồng/10 tháng). So với năm học 2022 - 2023, mức học phí năm học này tăng thêm 2,2 - 10,2 triệu đồng, tùy khối ngành.

Trong đó, học phí khối ngành Y Dược cao nhất với 24,5 triệu đồng/năm học; tiếp đó là khối ngành sức khỏe khác: 18,5 triệu đồng/năm học. Mức học phí tiếp theo 14,5 triệu đồng/năm học áp dụng cho khối ngành Toán, Thống kê máy tính, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Thú y.

Mức thu 13,5 triệu đồng/năm học áp dụng cho khối ngành Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên; 12,5 triệu đồng/năm học áp dụng cho khối Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Kinh doanh và quản lý, Pháp luật. Mức học phí thấp nhất theo quy định Nghị định 97 thuộc về nhóm ngành Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Du lịch, Khách sạn, Thể dục thể thao, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, Nghệ thuật với 12 triệu đồng/năm học.

Học phí cơ sở giáo dục công lập tự chủ gồm 2 mức theo mức độ tự chủ của các trường. Với trường đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí trường chưa tự chủ tương ứng với khối ngành và năm học. Như vậy, trong năm học 2023 - 2024, học phí các trường này tối đa 24 - 49 triệu đồng/năm.

Với trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư, học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần trường chưa tự chủ từng khối ngành và năm học. Trong năm học 2023 - 2024, học phí các trường này tối đa 30 - 61,25 triệu đồng/năm.

Riêng chương trình đào tạo của trường đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do trường ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội.

Trong năm học 2024 - 2025, học phí tiếp tục tăng theo lộ trình. Với trường đại học chưa tự chủ, mức thu thấp nhất ở khối ngành Nghệ thuật với 13,5 triệu đồng/năm (tăng 1,5 triệu đồng so với năm học trước đó). Khối ngành Y Dược có mức tăng mạnh nhất với khoảng 3,1 triệu đồng; lên mức 27,6 triệu đồng.

hoc phi nhom nganh nao cao nhat 1

Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định 97 (đơn vị tính: nghìn đồng/tháng). Ảnh: chinhphu.vn

Y khoa, Răng Hàm Mặt thuộc “tốp đầu”

Các trường đại học bắt đầu công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Nhiều trường dự kiến mức học phí cho năm học mới ở mức bằng hoặc tăng so với năm học 2023 - 2024. Trên thực tế, nhóm ngành Y Dược có mặt bằng học phí cao nhất đúng theo quy định của Chính phủ, đặc biệt ở 2 ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt.

Chẳng hạn, từ năm 2023, Trường Đại học Y Dược TPHCM quy định mức học phí từ khóa nhập học năm 2020 ở ngành bác sĩ Răng Hàm Mặt là 77 triệu đồng/năm; bác sĩ Y khoa 74,8 triệu đồng/năm; Dược học 55 triệu đồng/năm; Y học dự phòng, Y học cổ truyền 45 triệu đồng/năm. Đây là những ngành đã được kiểm định chất lượng. Ngành cử nhân khác (Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng) có học phí 41 triệu đồng.

Biết thông tin về lộ trình tăng học phí theo Nghị định 97, Nguyễn Uyên Phương, sinh viên năm 3 Khoa Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Dược TPHCM tỏ ra lo lắng. “Trường em học đã tự chủ, nếu được thu tối đa bằng 2,5 lần mức trần của văn bản này, học phí ngành cử nhân Phục hình răng em đang theo học có thể lên đến 52 triệu trong năm học tới, cao hơn nhiều so với mức hơn 40 triệu đồng hiện nay. Em không rõ nhà trường sẽ thu theo lộ trình của quy định này hay vẫn giữ nguyên học phí cũ”, Uyên Phương giải thích.

Tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học phí 3 ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt, Dược học ở mức cao nhất 55,2 triệu đồng/năm; các ngành cử nhân về khoa học sức khỏe khoảng 31,6 triệu đồng/năm.

Ở Khoa Y (Đại học Quốc gia TPHCM), trong năm học 2024 - 2025, các ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền dự kiến thu 62,2 triệu đồng/năm học; ngành Điều dưỡng 47,2 triệu đồng/năm.

Tương tự trường công lập, theo ghi nhận, học phí ở khối ngành Y Dược tại các trường đại học tư thục cũng ở mức cao nhất. Tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, học phí chương trình đại trà theo năm học ở ngành Răng Hàm Mặt và Y khoa 210 triệu đồng; kế tiếp là Y học cổ truyền 90 triệu đồng, Dược học 60 triệu đồng, Dinh dưỡng 55 triệu đồng, các ngành khác 55 triệu đồng.

Chương trình Tiếng Anh có mức học phí cao hơn 4 - 50 triệu đồng/năm học, tùy ngành. Chẳng hạn, ngành Răng Hàm Mặt và Y đa khoa thu 250 triệu đồng/năm; Dược học 100 triệu đồng/năm. Với Trường Đại học Văn Lang, mức học phí dao động 20 - 30 triệu đồng/học kỳ với hầu hết ngành. Riêng ngành Răng Hàm Mặt, mức học phí cao nhất ở mức 85 - 90 triệu đồng/học kỳ.

Theo ghi nhận, hầu hết các trường đại học công lập (nhóm chưa tự chủ và tự chủ) đều không điều chỉnh học phí đã thu của sinh viên trong năm học 2023 - 2024, dù có thể được tăng theo mức trần của Nghị định 97. Theo đó, mức thu của các trường này hiện nằm trong quy định cho phép. Với nhóm trường tư thục, nhiều chính sách ưu đãi học phí được đưa ra nhằm chia sẻ khó khăn với sinh viên.

ThS Trần Thúy Trâm Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, cho biết, trong năm 2024, nhà trường có chính sách ưu đãi với thí sinh trúng tuyển các ngành đặc thù khối sức khỏe. Cụ thể, sinh viên ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt được hỗ trợ 30 triệu đồng/năm học; ngành Dược học được tặng học bổng 5 triệu đồng/sinh viên. Ngành Y tế công cộng áp dụng học phí 35 triệu đồng/năm học (tức là thấp hơn so với học phí niêm yết 55 triệu đồng/năm).

Các chương trình chất lượng cao, tiên tiến ở nhiều trường đại học công lập có mức học phí cao, tương đương với mức thu ở nhiều trường đại học tư thục.

Chẳng hạn, Trường Đại học Luật TPHCM, năm học 2024 - 2025, học phí các ngành hệ đào tạo chính quy đại trà là 35,2 - 41,8 triệu đồng/năm. Trong khi đó, ngành đào tạo chính quy hệ chất lượng cao thu 70,5 - 83,6 triệu đồng/năm; ngành chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh: 181,5 triệu đồng/năm.

Tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), học phí trung bình dự kiến chương trình tiêu chuẩn là 30 triệu đồng/năm; chương trình định hướng Nhật Bản 60 triệu đồng/năm; chương trình tiên tiến, giảng dạy bằng tiếng Anh 80 triệu đồng/năm.

 

Theo: Báo Giáo dục & Thời đại

Chia sẻ

Tin tức - Sự kiện


TOP VIEW