Ảnh minh họa ITN.
Thời gian thực tập tại các cơ sở đào tạo tay nghề, doanh nghiệp là cơ hội để sinh viên năm cuối tích luỹ kinh nghiệm, nhận ra những lỗ hổng kiến thức và kỹ năng của bản thân trước khi nhận tấm bằng tốt nghiệp. Do đó, kết quả học tập tốt luôn là điểm cộng rất lớn khi đi thực tập cũng như chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống.
Những khuyết thiếu cần được lấp đầy
Có một thực tế đáng lo là hiện nay, phần lớn sinh viên còn chưa hiểu hết ý nghĩa của các kỳ thực tập trong chương trình đào tạo đại học. Vì vậy trong khi cơ hội không nhiều nhưng các bạn trẻ chưa khai thác, tận dụng hiệu quả thời gian thực tập. Người học thường bị động, không xây dựng được kế hoạch cụ thể cho quá trình thực tập dẫn đến lượng kiến thức, kinh nghiệm thu được sau kỳ thực tập khá “nghèo nàn”.
Bên cạnh đó, kỳ thực tập thường diễn ra ngay sau khi thi học kỳ cuối cùng nên các em thường có tâm lý coi nhẹ, tự cho phép mình “nghỉ ngơi” sau một thời gian học hành, thi cử vất vả. Nhiều sinh viên đã không nghiêm túc chấp hành các quy định về thời gian (đi muộn về sớm) tại cơ sở thực tập. Những điểm yếu đó dẫn đến các em đã để tuột đi cơ hội được trải nghiệm, rèn giũa và trực tiếp áp dụng những kiến thức đã được trang bị trong nhà trường vào môi trường làm việc thực tiễn.
PGS.TS Phan Thanh Thảo - Trưởng khoa Dệt May - Da giầy và Thời trang, Trường Vật liệu - ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra lời khuyên: “Sinh viên cần hệ thống hóa lại kiến thức đã được trang bị trong quá trình học tập tại trường. Khi đến cơ sở thực tập, các bạn cần tập trung tìm hiểu và thực hiện đầy đủ các nội quy, quy định, yêu cầu của cơ sở thực tập;
Có thái độ cầu thị, học hỏi quan sát các vấn đề thực tế, tích cực thực hành nghiệp vụ chuyên môn, có như vậy mới thể hiện được năng lực cá nhân. Giữ được thiện cảm và có mối quan hệ tốt với cơ sở thực tập, các bạn có thể đào sâu, trau dồi, trao đổi, chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn để sau khi trở lại trường, chuẩn bị tốt cho nội dung làm đồ án tốt nghiệp”.
Trong thời đại hội nhập, sinh viên cần trang bị cho mình một ngoại ngữ thật tốt để có thể giao tiếp, viết và đọc tài liệu cũng như tham khảo, tìm hiểu được các công nghệ mới của nước ngoài được áp dụng trong đơn vị mà bạn thực tập. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hiện nay làm việc với rất nhiều đối tác là nước ngoài, do đó khi bạn có ngoại ngữ tốt là có thêm cơ hội để thể hiện mình, tạo được ấn tượng với đơn vị bạn đến thực tập.
“Có thể nói thời gian thực tập trong chương trình học đại học khá ngắn ngủi, song nó có ý nghĩa quan trọng khi vừa giúp sinh viên hoàn thiện kỹ năng, năng lực vừa mở ra cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Hãy luôn trân trọng và hoàn thiện thật tốt kỳ thực tập trong đời sinh viên của mình”, PGS Phan Thanh Thảo lưu ý.
Ảnh minh họa ITN.
Lên kế hoạch trước khi đến cơ sở
Mặc dù còn gần một năm nữa mới đến kỳ thực tập nhưng Trần Trọng Tùng (sinh viên năm thứ tư, ngành Kỹ thuật Điện tử viễn thông - ĐH Bách khoa Hà Nội) đã rốt ráo tìm các công ty có nhu cầu tuyển thực tập sinh bán thời gian để ứng tuyển với mong muốn thử sức xem năng lực, sở thích của mình phù hợp với lĩnh vực nào trong chuyên ngành mình học.
Trọng Tùng chia sẻ: “Từ những kinh nghiệm của các anh chị khóa trên, em nhận thấy nếu mình nắm chắc các kiến thức nền tảng, biết ứng dụng vào các máy móc, thiết bị của công ty qua khoảng thời gian đi thực tập thì kết quả sẽ tốt hơn, đó cũng là bước đệm để tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân sau này đi xin việc dễ dàng hơn”.
Kỳ thực tập của Đinh Đức Lương (sinh viên năm thứ tư, ngành Công nghệ nông nghiệp, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội) rơi vào tháng 6/2024. Tuy nhiên, nam sinh viên dự kiến sẽ đẩy sớm thời gian đi tìm kiếm công ty thực tập. Đức Lương chia sẻ: “Ngành học của em không có các đợt kiến tập ngắn hạn, kỳ thực tập chính là thời gian quý báu giúp em củng cố kiến thức mình học được cùng kỹ năng nghiên cứu đem ra cọ xát với thực tế. Vì vậy, em đã xin đi thực tập tại Viện Di truyền Nông nghiệp”.
Được biết trước khi đi thực tập, Đức Lương đã tìm hiểu yêu cầu tối thiểu của một sinh viên thực tập để tránh xảy ra những sự cố không đáng có, từ kiến thức liên quan đến vận hành máy móc, thiết bị trong các phòng chức năng đến những quy tắc ứng xử văn hóa nơi công sở, thời gian và kỷ luật lao động…
Tương tự, Đậu Thị Tâm, sinh viên năm thứ ba, ngành Luật, Trường ĐH Luật Hà Nội ngay từ năm thứ hai đã xin học việc ở Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Qua 3 tháng học việc, Tâm đã làm quen được với môi trường, tiếp cận với nhiều sự việc cụ thể. Tâm chia sẻ: “Em đã “bỏ túi” cho mình một ít kinh nghiệm từ khi còn là sinh viên năm hai. Nên kỳ nghỉ hè năm thứ ba này, em tiếp tục xin đến Tòa án học việc thay vì về nhà nghỉ ngơi”.
(Nguồn: Báo Giáo dục thời đại)