>>> Xem thêm: Ngành hàng không
Tại chuỗi sự kiện hội thảo khoa học quốc tế, diễn đàn khoa học hàng không và triển lãm hàng không 2023 đang diễn ra tại TP HCM, TS Trần Hoài An, Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam, cho biết nhu cầu nhân lực hàng không tại Việt Nam đang rất lớn nhưng nguy cơ thiếu hụt cũng lớn. Toàn ngành đang có khoảng 44.000 nhân lực, chia thành 3 lĩnh vực chính gồm: khai thác vận tải, khai thác cảng và đảm bảo hoạt động bay.
"Dự báo con số này sẽ đạt hơn 58.000 người vào năm 2025, trong đó khối hành chính sự nghiệp tăng 2-3%/năm, khối các doanh nghiệp hàng không tăng 4-5%/năm, khối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không và phi hàng không khác tăng 4-5%/năm" - TS An nói.
Theo các chuyên gia, nhu cầu nhân lực ngành hàng không sẽ ngày càng tăng, đặc biệt trong giai đoạn từ này đến năm 2030. Dự kiến đến 2030, Việt Nam có khoảng 30 sân bay và một số sẽ được xây dựng mới, một số nhà ga mới.
Các ứng viên tham gia vòng sơ tuyển tiếp viên của Hãng hàng không VietJet.
>>> Tham khảo: Tiếp viên hàng không: Nghề "hot" cho người trẻ
Theo Vietnam Airlines, mỗi năm hãng này cần tuyển bổ sung 100 kỹ sư cho công ty bảo dưỡng máy bay. Khi cơ sở bảo dưỡng ở Long Thành đi vào hoạt động, số kỹ sư cần tuyển có thể gấp đôi hoặc có thể gấp ba. Nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nhưng nguồn cung nhân lực thực tế khó đáp ứng.
Còn theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), ngành đang thiếu nhân lực ở các lĩnh vực như giám sát sân bay, quản trị không lưu, kỹ sư máy bay, bảo dưỡng máy bay và nhất là phi công chuyên nghiệp. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong ngành hàng không là tất yếu và rất quan trọng để Việt Nam hội nhập và tăng trưởng cùng với hàng không quốc tế, đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành.
Theo Người lao động