Lịch sử sẽ đứng độc lập như một môn tự chọn trong chương trình THPT.
Thông tin môn Lịch sử sẽ bị xóa bỏ khỏi chương trình giáo dục phổ thông, thay vào đó, nó nằm trong môn Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng đã gây ra những phản ứng gay gắt. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, lịch sử là môn học quan trọng và phải được dành vị trí xứng đáng trong chương trình.
Tuy nhiên, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, thông tin trên chưa đầy đủ và chưa phản ánh đúng bản chất việc đổi mới giáo dục lịch sử trong chương trình phổ thông. Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như nhiều môn học khác, việc dạy Học lịch sử sẽ được tổ chức lại theo từng cấp học.
Theo đó, ở bậc Tiểu học, giống như hiện nay, kiến thức lịch sử sẽ được chuyển tải của một số môn học khác trong môn Tìm hiểu Xã hội. Ở bậc trung học cơ sở, Lịch sử được tích hợp với Địa lý thành môn Khoa học xã hội.
Ở bậc trung học phổ thông, Lịch sử tiếp tục tích hợp với Địa lý thành môn Khoa học xã hội. Ngoài ra, Lịch sử tích hợp với Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng trong môn Công dân với Tổ quốc để giáo dục học sinh về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nghệ thuật Quân sự của cha ông. Hai môn này là bắt buộc.
Ông Hiển cũng khẳng định, thời lượng học kiến thức lịch sử sẽ nhiều hơn so với chương trình phổ thông hiện hành. Hiện nay môn Lịch sử được sắp xếp là 1,5 tiết/tuần. Sắp tới nêu chương trình mới được thông qua thì học sinh học Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc (nếu 3 phân môn trong 3 tiết thì có thể là 1 tiết), trong Khoa học Xã hội có hai phân môn với 3 tiết, nghĩa là Lịch sử sẽ khoảng 1,5 tiết.
Như vậy học sinh sẽ được học khoảng 2,5 tiết/tuần kiến thức Lịch sử ở chương trình mới. Nếu học sinh đi theo hướng khoa học xã hội thì sẽ là 4 tiết/tuần (học môn Công dân với Tổ quốc khoảng 1 tiết, môn Lịch sử 3 tiết). Sở dĩ chúng ta có sự phân biệt thời lượng học của hai nhóm này là để định hướng nghề nghiệp.
Lịch sử cũng sẽ đứng độc lập như một môn tự chọn trong chương trình trung học phổ thông, dành cho những học sinh chọn thi đại học vào các khối có Tuyển sinh môn Lịch sử. Ngoài ra còn có các chuyên đề Học tập lịch sử.
Như vậy, có thể khẳng định, Lịch sử không bị bỏ ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông mà được tổ chức lại và dạy học theo những cách thức mới.
Nguồn: Thanh Hoa Online